Khi nhắc đến rùa Sao Ấn Độ, mọi người đều nói loài rùa này rất khó nuôi. Là một thử thách thật sự với những người nuôi rùa cảnh. Chủ yếu là do loài rùa này rất dễ mắc bệnh. Phổ biến là bệnh kim tự tháp (1 dạng bệnh mdb), đột tử, đường ruột…
Nhưng dù khó nuôi đến đâu, loài rùa này vẫn có thể sống khỏe trong môi trường nuôi nhốt. Chỉ cần bạn biết cách nuôi dưỡng khoa học. Hãy cùng petmart.vn tìm hiểu cách nuôi rùa Sao trong bài viết dưới đây.
Tại sao rùa Sao Ấn Độ rất khó nuôi dưỡng?
Rùa Sao Ấn Độ (Indian Star Tortoise) có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka. Là loài rùa có vẻ ngoài tuyệt đẹp với những đường vân trên mai như những ngôi sao. Do đó nhu cầu nuôi loài rùa này làm cảnh rất cao.
Trong tự nhiên loài rùa này có sức khỏe khá tốt. Những con rùa trưởng thành gần như không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Nhưng khi bị bắt, chúng bị nhốt trong những bao tải chật hẹp, bị buôn lậu ra nước ngoài.
Điều kiện vận chuyển trên đường đi cực kỳ tồi tệ. Cộng thêm việc không được ăn uống trong thời gian dài. Vì vậy khi đến tay người mua, sức khỏe của chúng đã rất yếu. Thường chỉ còn thoi thóp thở, rùa con càng tệ hơn.
Cách chọn mua rùa
Khi mua rùa sao, việc chọn lựa con rùa khỏe mạnh vô cùng quan trọng. Quan sát kĩ các dấu hiệu bên ngoài để lựa chọn. Nếu mắt rùa mở to, linh động nghĩa là tinh thần rất tốt. Nếu mắt lờ đờ, sưng đỏ, có vết thương hoặc chảy nước mắt nghĩa là rùa có khả năng mắc bệnh.
Quan sát biểu hiện của rùa khi ăn. Rùa khỏe mạnh thường ăn tương đối nhanh, ăn liên tục. Thấy thức ăn là bò tới ăn. Động tác đớp mồi dứt khoát. Rùa bị bệnh thường chậm chạp, ăn kém, hay dừng ăn nửa chừng. Thậm chí bỏ ăn.
Cuối cùng là quan sát cơ thể rùa. Tuyệt đối không mua rùa có vết thương, ổ bệnh trên da. Xem bốn chân rùa có lành lặn hay không, có bị sưng phù hay không. Dưới nách và đuôi có kí sinh trùng hay không.
Trên thị trường, rùa Sao Ấn Độ thường có 2 loại chính: loại nhỏ khoảng 3-4cm, loại lớn hơn khoảng 10cm. Loại max size (khoảng 30cm) hiếm và giá rất cao, ít được ưa chuộng. Với người nuôi lần đầu thì nên chọn loại lớn.
Rùa lớn có khả năng thích nghi tốt hơn, dễ nuôi hơn so với rùa con. Cầm nặng tay một chút, nếu quá nhẹ thì có thể đã bị bỏ đói một thời gian dài.
Nuôi dưỡng Rùa Sao Ấn Độ
Rùa Sao có nguồn gốc ở phía Đông và Nam Ấn Độ, biên giới Sri Lanka. Là khu vực có nhiệt độ tương đối cao. Vì vậy khi nuôi dưỡng cần đảm bảo nhiệt độ không thấp hơn 25°C. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm không quá lớn. Trung bình ở mức 28°C là được. Độ ẩm giữ ở mức trung bình, không nên quá ẩm ướt.
Về thức ăn, nên cho rùa ăn các loại cỏ dại, cỏ chăn nuôi. Bởi trong tự nhiên rùa không được ăn rau quả. Để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, người nuôi nên đa dạng các loại cỏ. Trộn lẫn cỏ dại và rau củ để cung cấp đủ dinh dưỡng cho chúng.
Mặc dù có thể dùng đèn UVB để thay thế cho ánh sáng mặt trời, nhưng cũng không được hoàn toàn phụ thuộc vào đèn điện. Khi trời nắng đẹp, nên đưa rùa ra ngoài trời để tắm nắng, tránh lúc nắng gắt. Nếu chuồng nuôi ở ngoài trời phải trồng cây hoặc có mái che để làm rùa làm mát cơ thể.
Bệnh phổ biến ở rùa Sao
Bệnh kim tự tháp: là hiện tượng mai rùa bị biến dạng, gồ lên hoặc lồi lõm bất thường. Thường xuất hiện khi rùa được khoảng 12-13cm. Nguyên nhân là do mất cân bằng dinh dưỡng (tỉ lệ canxi/photpho), thiếu chất xơ, vitamin, thừa tinh bột, protein, không được phơi nắng hoặc chiếu đèn UV.
Thiếu canxi: trong môi trường nhân tạo, các loại thức ăn thường đơn điệu. Dẫn đến rùa bị thiếu chất. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể dùng bột canxi cho bò sát, hoặc vitamin tổng hợp. Trộn lẫn với thức ăn của rùa. Lưu ý không cho quá nhiều vì rùa Sao dễ bị sỏi thận.
Cảm lạnh: triệu chứng là chảy nước mũi, giảm hoạt động, ngủ nhiều. Nguyên nhân là do chênh lệch nhiệt độ quá cao. Do chuồng nuôi quá bé, không phân chia điểm mát và điểm nóng. Hoặc do nhiệt độ thấp. Khi phát hiện cần điều chỉnh nhiệt độ, tránh trường hợp bệnh nặng dẫn đến viêm phổi.
Đối với rùa cạn, việc tắm rửa rất quan trọng. Giúp rùa đào thải canxi thừa và chất thải. Chú ý không để rùa tắm quá lâu. Giữ nhiệt độ vừa đủ, không để rùa bị bệnh cảm cúm. Tắm xong lau khô rồi mới thả lại chuồng.