Nuôi cá Hường nước ngọt làm cảnh ngày càng được đông đảo các bạn trẻ quan tâm. Chúng có những đặc điểm đặc biệt khiến người chơi hứng thú mà không bất kì giống cá cảnh nào có. Cá Hường nước ngọt hay còn gọi là cá hôn môi, cá mùi… Giống cá này nổi tiếng vì sự lãng mạn của chúng. Do thói quen “hôn nhau” mỗi khi gặp nhau, không để ý hoàn cảnh xung quanh. Chúng thường được dùng làm quà tặng tượng trưng cho sự ngọt ngào của tình yêu.
Bài viết dưới đây Pet Mart sẽ giới thiệu một số kỹ thuật nuôi cá Hường nước ngọt. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn chăm sóc và nuôi dưỡng chúng thật khỏe mạnh.
Đặc điểm của cá Hường nước ngọt
Đặc điểm đầu tiên bạn sẽ chú ý khi nuôi cá Hường nước ngọt chính là cái miệng của chúng. Miệng chúng sẽ nhô ra khỏi cơ. Hàm của chúng có một khớp bổ sung làm tăng góc mà miệng chúng có thể mở ra giúp chúng có thể tiếp cận nhiều thức ăn hơn.
Đặc điểm thứ hai được coi là yếu tố đặc trưng của cá Hường đó chính là đôi môi. Đôi môi lúc nào cũng trông như đang chu môi trong tư thế sẵn sàng hôn.
Cơ thể của cá Hường có hình dạng tương tự như những loài cá Gourami khác. Thân của loài cá này khá dài được bao phủ một lớp vảy nhỏ và cứng, mỗi con có thể to lên tới 30cm khi trưởng thành hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng thường nhỏ hơn trong điều kiện nuôi nhốt.
Chúng có vây lưng và vây hậu môn ngắn chạy dọc theo cơ thể, từ phía sau đầu đến vây đuôi. Các vây ngực dài hơn và tròn hơn. Bạn thường thấy chúng có hai màu chính đó là màu hồng nhạt và xanh bạc. Một số bị lốm đốm hoặc xuất hiện khoang màu đậm nhạt.
Nuôi cá Hường có dễ hay không?
Chúng có khả năng thích nghi cao, rất phù hợp với những người mới nuôi. Chúng không quá khắt khe về môi trường nước. Nhiệt độ lý tưởng để nuôi cá Hường nước ngọt phát triển tốt là 22 – 26°C.
Tuy nhiên cần chú ý khi thay nước bể nuôi cá Hường nước ngọt. Vì loại cá này dễ bị sốc khi thay nước mới, do đó không nên thay nước quá thường xuyên. Nếu thay nước nên dùng nước đã phơi nắng nhiều ngày. Điều này sẽ giúp cá nhanh chóng làm quen với môi trường.
Cá hôn môi có tập tính ăn tạp, chúng có thể ăn sâu bột, giun, thức ăn công nghiệp… Có thể nói là có gì ăn nấy. Chúng rất ít sinh bệnh, lớn nhanh và sức đề kháng tốt.
Một giống đột biến của cá hường đã được nhân giống cho ngành công nghiệp cá cảnh hiện nay có thân hình ngắn và tròn hơn. Mặc dù có một số người thích sự đa dạng của giống mới này, nhưng nhược điểm của chúng là yếu hơn và không sống lâu.
Nên nuôi cá Hường nước ngọt ở đâu?
Nên nuôi trong bể có trồng cây thủy sinh. Có một số trường hợp nuôi cá Hường nước ngọt trong bình nhỏ, cốc thủy tinh, chúng vẫn có thể sống được.
Tuy nhiên đây không phải là giống cá có kích thước nhỏ. Cá trưởng thành có thể dài tới 20 – 30cm. Vì vậy lý tưởng nhất là nuôi cá Hường nước ngọt trong bể kích thước lớn, giúp cá nhanh chóng sinh sôi nảy nở. Kích thước tối thiểu nên là 80x40x40cm.
Chất nước và nhiệt độ không cần quá cẩn thận. Những chú cá hôn môi rất dễ thích nghi, môi trường tốt nhất cho chúng là nước mềm hơi có tính chua.
Nuôi cá Hường nước ngọt ghép với những giống cá nào?
Cá hôn môi tính tình hiền lành, năng động, thích tụ tập thành đàn. Có thể nuôi chung cùng nhiều loại cá cảnh nhiệt đới khác. Nên tránh nuôi cùng các loại cá dễ bị kích động, vì chúng bơi rất nhanh, dễ va chạm. Các loại cá thích hợp để nuôi cùng: họ cá mập cảnh, cá chim, cá bảy màu, bình tích, cá sặc, cá mún…
Ngoài mục đích nuôi làm cảnh, cá Hường còn được nuôi để lấy thịt. Một số món ăn ngon với cá hường: cá Hường chiên sả ớt, cá hường kho, chiên…
Phân biệt giới tính của cá hôn môi
Phân biệt cá hôn môi đực, cái không có sự phân biệt rõ ràng khi còn nhỏ. Cá hôn môi trưởng thành khi được 15 tháng tuổi. Lúc này chúng có một sự khác biệt nhất định về hình dạng cơ thể.
Về hình dáng cơ thể, cá hôn môi đực có thân hình thon dài. Vây hậu môn rộng hơn một chút. Trong khi cá cái béo hơn cá đực và vây hậu môn nhỏ hơn.
Khi cá hôn môi bước vào thời kì sinh sản thì các đặc điểm rõ ràng hơn. Cá đực sẽ có “màu hôn nhân” trong mùa sinh sản. Màu cơ thể sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu tím, sáng bóng và lấp lánh. Bụng cá cái to ra một cách rõ rệt.
Cách nuôi cá hôn môi sinh sản
Môi trường sống của cá hôn môi sinh sản
Nên sử dụng bể cá sinh sản có kích thước 80 × 40 × 40cm. Trong quá trình sinh sản của cá nhiệt độ nước được duy trì trong khoảng từ 25 – 27° C, độ pH là 6,8 – 7,4. Độ cứng khoảng 9 – 11 và nước trong bể nuôi tốt nhất là dùng nước cũ. Người nuôi cần ngăn chặn rêu nổi trên mặt nước. Trứng cá sau khi sinh sản cần được lưu lại để ngăn trứng cá bị nuốt bởi cá bố mẹ.
Quá trình sinh sản của cá hôn môi
Trong quá trình nhân giống, cá đực liên tục xoay quanh cá cái. Khi đến vị trí thích hợp, nó uốn cơ thể thành hình chữ U và áp sát vào con cá cái. Cá đực ngay lập tức xuất tinh sau khi cá cái đẻ trứng. Sau khi nhân giống xong, cá bố mẹ phải được bỏ ra ngoài và tiến hành quá trình ấp trứng nhân tạo.
Trứng cá phát triển rất nhanh có thể nở sau khoảng một ngày. Sau 2 – 3 ngày cá con có thể bơi, lúc này cần được cho ăn nhiều, nếu không chúng sẽ chết đói.
Sau 2 – 3 ngày, cho cá con ăn giun đỏ từ 3 đến 4 ngày. Trong 15 – 20 ngày, cần chia những con cá con phát triển nhanh chóng vào 2 – 3 bể để đảm bảo tỷ lệ sống cao
Việc nhân giống cá hôn môi không khó. Chúng có thể được nhân giống nhiều lần trong năm và không bị ảnh hưởng bởi mùa. Do có tập tính ăn trứng và không chăm sóc cá bột, vì vậy bể nuôi cá nên trồng nhiều cây thủy sinh dạng nổi. Khi thiết kế bể cần đặt đá cuội hoặc chậu hoa để tạo ổ đẻ cho cá.