Nuôi Họa Mi chiến (hay Họa Mi chọi, Họa Mi đá) là một trường phái nuôi chim Họa Mi có lịch sử lâu đời tại Việt Nam. Chim Họa Mi ngoài giọng hót hay, chúng còn có tính cạnh tranh khá cao. Do đó nhiều người chơi đã huấn luyện chúng để chọi với nhau.
Huấn luyện chim Họa Mi hót hay và khỏe đã khó. Thế nhưng, tập cho Họa Mi chọi lại càng khó khăn hơn. Công việc này đòi hỏi kinh nghiệm nhiều hơn, và nhiều tâm huyết của người nuôi hơn. Vậy làm thế nào để huấn luyện Họa Mi? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Thức ăn cho chim Họa Mi
Chim non được chia làm 3 giai đoạn: mới nở, bắt đầu mọc lông, mới thay lông. Trong giai đoạn này, chúng rất yếu và hiền lành, cũng ít sợ hãi khi có người lại gần. Chim Họa Mi non chăm sóc khá dễ, bạn có thể bắt đầu luyện cho chúng từ giai đoạn này.
Thức ăn cho chim non mới nở có thể dùng tấm gạo trộn trứng. Cho ăn cám 20-30 phút 1 lần. Chú ý quan sát quá trình nó lớn lên mà tăng giảm số lần cho ăn. Bao giờ chim tự ăn được mới thôi.
Nhìn chung, Họa Mi có thể ăn được nhiều loại thức ăn. Chúng có thể sống khỏe với thức ăn của Chào Mào, Sơn Ca và các giống chim khác. Tuy nhiên cào cào và trứng kiến sẽ giúp họa mi có giọng hót thanh hơn. (Xem thêm các loại thức ăn cho chim cảnh tại petmart.vn)
Thuần dưỡng chim Họa Mi
Chim non mất khoảng 8-9 tháng để trưởng thành đầy đủ. Đây là lúc chúng rời tổ, đi tìm bạn đời và sinh sản thế hệ sau. Chim mới bắt từ thiên nhiên cần một thời gian để làm quen với môi trường nuôi nhốt.
Lúc này cần trùm áo lồng để chúng bình tĩnh hơn. Treo lồng ở nơi ồn ào, nhiều tiếng động lạ để nó quen dần. Sau một thời gian, nếu thấy nó đã quen hơn có thể mở một phần áo lồng, để cho nó nhìn thấy xung quanh.
Đợi thêm một thời gian nữa, khi nó đã hoàn toàn quen thuộc, không còn nhảy loạn mỗi khi thấy người đến gần, bạn có thể cho nó ghép đàn với những con khác. Dần dần nó sẽ hót theo những con kia. Thời gian thuần hóa chim Họa Mi có khi phải mất cả năm, nhưng thành quả đạt được thật sự đáng để đầu tư công sức.
Phân loại chim Họa Mi
Để luyện Họa Mi chiến, trước tiên bạn phải xem vóc dáng con chim có to lớn, vạm vỡ hay không. Nếu vóc dáng chim nhỏ thì dù có tập luyện một thời gian cũng khó đủ sức để đi chọi.
Tiếp theo phải xem kỹ các bộ phận từ đầu đến chân của chim, như đầu, mắt, mỏ, chân, ngón, móng, đuôi có đạt tiêu chuẩn của một con chim Họa Mi đá hay không. Những con đủ tiêu chuẩn thường có vóc dáng dữ tợn, vuốt cong, đầu xà, mắt xanh.
Những con có vóc người nhỏ, dáng thanh mảnh, lành tính thường được nuôi để thi hót. Ít khi được nuôi để đá. Một con Họa Mi vừa đá hay vừa hót giỏi là vạn con có một, đòi hỏi người nuôi phải dày công nghiên cứu.
Kỹ thuật luyện Họa Mi chiến
Họa Mi còn non không nên cho nó đấu với những con quá mạnh, Họa Mi già, hay những con đi chọi lâu năm. Nếu đánh thua ngay trận đầu, nó sẽ nhụt chí, về sau gặp con trống khác chỉ biết thu mình bỏ chạy.
Nên chọn những con có thực lực tương đương, vừa đấu vừa rèn luyện kĩ năng. Khi luyện Họa Mi non không nên cho nó đánh để phân thắng bại. Chọn lúc thích hợp rồi tách hai con ra, như vậy chúng sẽ nghĩ mình vừa thắng trận.
Về sau càng đấu càng hăng, có khi vừa đấu hay lại hót khỏe. Cứ thế luyện dần, Họa Mi chiến càng ngày càng hay. Khi đi đấu chính thức, chúng sẽ có động lực hơn, đá đến khi thắng thì thôi. Nhất là khi có chim mái ngay bên cạnh.
Họa Mi chiến rất hung dữ, tuyệt đối không nuôi chung trong một lồng. Lồng chim cũng phải chắc chắn, nếu không chúng có thể phá hoại hoặc tự làm mình bị thương.
Trên đây là một vài kinh nghiệm của người chơi Họa Mi lâu năm. Mong rằng các bạn đã có thêm nhiều thông tin để luyện cho mình một con chim chọi đỉnh cao.